Nổi mẩn đỏ khi có kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Ngứa rát, nổi mẩn đỏ khi có kinh nguyệt là một trong những rắc rối mà chị em thường gặp. Liệu tình trạng này có gây nguy hiểm gì cho sức khỏe của phụ nữ không? Cách vệ sinh vùng kín trong ngày đèn đỏ như thế nào?
Nguyên nhân vùng kín nổi mẩn đỏ khi có kinh nguyệt
Kinh nguyệt thường bắt đầu từ tuổi dậy thì (12-14 tuổi) và kéo dài cho tới khi mãn kinh. Khi bước vào giai đoạn dậy thì, não bộ phát ra những tín hiệu để cơ thể sản sinh ra 1 loại hormone chuẩn bị cho việc thụ thai, làm cho lớp niêm mạc tử cung dày hơn.
Tiếp đó sẽ xảy ra tình trạng rụng trứng. Trứng sau khi rụng sẽ di chuyển về phía tử cung để làm tổ. Nếu trứng không được thụ tinh với tinh trùng thì niêm mạc của tử cung sẽ bong và được bị đẩy ra bên ngoài qua âm đạo. Đó chính là máu kinh nguyệt.
Nếu các chu kỳ kinh nguyệt đi theo một chu trình tuần hoàn đều đặn (28 – 30 ngày) thì chứng tỏ bạn có một sức khỏe tốt. Tuy nhiên, trong ngày xuất hiện kinh nguyệt, một số vấn đề sau có thể xuất hiện:
- Đau tức bụng, nhất là vùng bụng dưới;
- Đau rát vùng kín khi hành kinh;
- Trướng bụng, đầy bụng, rối loạn tiêu hóa;
- Chóng mặt, tức ngực;
- Nổi mẩn đỏ ở da toàn thân hoặc vùng kín, ngứa rát vùng kín;
- Ngứa vùng kín trước kỳ kinh nguyệt;
- Bị ngứa vùng kín sau khi hết kinh, …
Trong đó, các vấn đề xuất hiện ở vùng kín trong kỳ kinh nguyệt như mẩn ngứa, đau rát, … có thể là những cảnh báo nguy hiểm. Sau đây là một số nguyên nhân khiến vùng kín bị ngứa rát, nổi mẩn đỏ khi có kinh nguyệt:
-
Dị ứng băng vệ sinh hoặc dung dịch vệ sinh
Tình trạng dị ứng băng vệ sinh xảy ra do da của bạn bị mẫn cảm với một số chất trong băng vệ sinh. Nếu bạn sử dụng các loại băng vệ sinh có mùi hương thì nguy cơ bị dị ứng băng vệ sinh sẽ cao hơn.
Dung dịch vệ sinh phụ cũng được khuyên dùng trong kỳ kinh nguyệt để khử mùi hôi và diệt khuẩn vùng kín. Tuy nhiên, nếu chọn sản phẩm không phù hợp với da thì bạn cũng có nguy cơ bị dị ứng với dung dịch vệ sinh phụ nữ. Nếu bị dị ứng băng vệ sinh hoặc dung dịch vệ sinh thì bạn hãy dừng ngay việc sử dụng các sản phẩm gây dị ứng đó.
-
Vệ sinh vùng kín không đúng cách
Trong ngày “đèn đỏ”, máu kinh, dịch nhầy và các lớp niêm mạc tử cung bong ra rất nhiều khiến vùng kín luôn luôn trong tình trạng ẩm ướt. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển gây viêm phụ khoa, ngứa rát, mẩn đỏ vùng kín. Vùng kín có thể bị mẩn ngứa, viêm nhiễm nếu như bạn không thay băng vệ sinh thường xuyên hoặc vệ sinh vùng kín không đúng cách.
-
Rối loạn nội tiết tố
Từ sau khi rụng trứng tới trước khi bắt đầu chu kỳ tiếp theo được gọi là giai đoạn hoàng thể. Trong giai đoạn này, nội tiết tố estrogen giảm dần xuống mức rất thấp và có thể gây ra các vấn đề như tâm trạng không ổn định, nổi mụn trên mặt, mẩn đỏ trên da, … Tình trạng này sẽ được cải thiện sau khi kết thúc chuỗi ngày “đèn đỏ”
-
Một số bệnh về da
Ngoài ra, bạn cũng có khả năng cao bị mẩn ngứa trên da trong kỳ kinh nguyệt nếu như gặp một số vấn đề về da, cụ thể:
- Nổi mề đay: do rối loạn nội tiết tố, sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh hoặc dùng thuốc kháng viêm;
- Viêm da tiếp xúc (chàm tiếp xúc): do tiếp xúc với các chất có thể gây dị ứng cho da;
- Nhiễm trùng da;
- Nấm da (thường xuất hiện ở mông hoặc bẹn): do nấm sợi tơ phát triển mạnh trong môi trường vùng kín nóng, ẩm.
Mẩn ngứa khi có kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Mẩn ngứa vùng kín khi có kinh nguyệt khá phổ biến ở phụ nữ và thường tự biến mất sau 1 hoặc vài ngày. Tuy nhiên, nếu như tình trạng mẩn đỏ trên da kéo dài hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường như sốt, khó thở, sưng phù mặt, … thì bạn nên tới ngay các trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Cách cải thiện tình trạng nổi mẩn đỏ khi có kinh nguyệt
Để phòng tránh nổi mẩn đỏ khi có kinh nguyệt, bạn hãy lưu ý một số điều sau:
-
Giữ vệ sinh sinh dục sạch sẽ
Cách vệ sinh vùng kín trong ngày đèn đỏ như sau:
- Rửa vùng kín bằng nước ấm sau khi đi vệ sinh và lau khô trước khi mặc quần lót hoặc băng vệ sinh.
- Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ, thuốc xịt vùng kín trong kỳ kinh nguyệt để tránh vi khuẩn có hại phát triển. Bạn hãy chọn sản phẩm dịu nhẹ, có nguồn gốc từ thiên nhiên và có độ pH phù hợp.
- Thay băng vệ sinh mỗi 4 giờ/lần để đảm bảo vùng kín luôn khô ráo và thoáng sạch. Bạn cũng nên chọn các loại băng vệ sinh thấm hút tốt và tránh xa các loại băng vệ sinh có mùi thơm.
-
Dinh dưỡng
Dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng trong những ngày “đèn đỏ”. Để giảm bớt những cảm giác khó chịu trong kỳ kinh nguyệt, bạn nên chú ý:
- Ăn nhiều rau xanh để tránh bị táo bón;
- Uống nhiều nước sẽ giúp máu loãng hơn và tránh bị vón cục;
- Ăn sữa chua để thúc đẩy quá trình tiêu hóa;
- Tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu phộng (lạc), tôm, …;
- Không sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích có hại cho sức khỏe;
- Hạn chế sử dụng các thuốc giảm đau trong ngày kinh nguyệt.
-
Những chú ý trong sinh hoạt
- Nên mặc quần áo thoải mái và thấm hút mồ hôi, không mặc quần lót hoặc quần ngoài quá chật;
- Hạn chế gãi hoặc tác động mạnh vào các vùng bị ngứa để tránh dị ứng lan rộng;
- Không tự ý mua các loại thuốc bôi hoặc uống khi bị mẩn ngứa;
- Nên tránh quan hệ tình dục trong những ngày có kinh nguyệt;
- Nên nghỉ ngơi nhiều trong những ngày này để giảm nhẹ đau bụng kinh hoặc mệt mỏi;
- Không thức khuya;
- Hạn chế làm việc nặng nhọc, vận động mạnh hoặc chơi thể thao.
Nổi mẩn đỏ khi có kinh nguyệt sẽ không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng nếu như bạn đã nắm được nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này.